thành lập doanh nghiệp dễ dàng, nhanh chóng

QUY ĐỊNH VỀ LĨNH VỰC KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021;
  • Luật Đầu tư 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021;
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ban hành ngày 04/02/2021 về Đăng ký doanh nghiệp;
  • Quyết định 27/2018/QĐ-TTg Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2018;
  • Nghị định 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch.

Ngành nghề kinh doanh là một trong những nội dung bắt buộc phải đăng ký khi thành lập doanh nghiệp. Do đó, khi Quý khách hàng thành lập doanh nghiệp và đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh cần lưu ý theo quy định sau:

A. PHÂN LOẠI NGÀNH NGHỀ

1. Những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh

Những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật là những ngành, nghề có thể gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường.

Theo Điều 6 Luật Đầu tư số 61/2020/NĐ-CP nêu rõ 8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, bao gồm:

  • Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;
  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;
  • Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;
  • Kinh doanh mại dâm;
  • Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
  • Kinh doanh pháo nổ;
  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Ngành, nghề kinh doanh không có điều kiện

Trừ các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp có quyền tự do đăng ký các ngành, nghề còn lại mà không phải đáp ứng điều kiện liên quan đến ngành, nghề.

3. Những ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm 227 ngành nghề. Theo đó, doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành nghề này phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện nhất định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Ví dụ:

Mã ngành Tên ngành Văn bản pháp luật Điều kiện yêu cầu
5621 Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất

Chi tiết: đấu giá bất động sản

Luật đấu giá tài sản 2016 Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
6810 Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê Luật kinh doanh bất động sản 2014 Có ít nhất 02 người có chứng chỉ ngành nghề môi giới bất động sản.

4. Những ngành nghề kinh doanh cần vốn pháp định

Vốn pháp định là số vốn tối thiểu được Chính phủ quy định đối với một số ngành nghề khi tiến hành đăng ký kinh doanh, đặc biệt những ngành nghề thường có quy mô lớn và tính rủi ro cao.

Ví dụ:

STT Ngành Mức vốn pháp định Văn bản pháp quy Hồ sơ chứng minh
1 Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 5.000.000.000 VNĐ Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Văn bản xác nhận vốn pháp định 5 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại theo quy định
2 Sản xuất phim 200.000.000 VNĐ Nghị định 142/2018/NĐ-CP ban hành ngày 09 tháng 10 năm 2018 sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch ·   Văn bản xác nhận vốn pháp định 1 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại.

·   Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Cục Điện ảnh cấp

5. Những ngành nghề kinh doanh yêu cầu chứng chỉ hành nghề

Trong một số ngành nghề nhất định, muốn thực hiện hoạt động kinh doanh thì cá nhân, chủ doanh nghiệp cần phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, thể hiện qua chứng chỉ hành nghề của nhân sự hoặc người quản lý. Chứng chỉ hành nghề có thể là điều kiện để đăng ký hành nghề hoặc điều kiện để tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi đăng ký.

Ví dụ:

Mã ngành Tên ngành Chứng chỉ hành nghề được yêu cầu
7110 Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
6810 Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Chứng chỉ ngành nghề môi giới bất động sản.
4330 Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

 

B. CÁCH GHI NGÀNH NGHỀ KINH DOANH

Danh mục ngành nghề

Ngành nghề kinh doanh được liệt kê trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2018.

Ghi ngành, nghề kinh doanh

Doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ví dụ:

STT Tên ngành Mã ngành
1 Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 3100

Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ví dụ:

STT Tên ngành Mã ngành
1 Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.

Chi tiết: Dịch vụ tư vấn, môi giới bất động sản;

6820

Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ví dụ:

STT Tên ngành Mã ngành
1 Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu

Chi tiết: Hoạt động tư vấn đầu tư

6619
2 Bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu

Chi tiết: bán buôn phụ liệu may mặc và giày dép.

4669

Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

 Lưu ý:

Doanh nghiệp có thể ghi ngành, nghề chi tiết hơn. 

Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn.  

Ví dụ:

STT Tên ngành Mã ngành
1 Lập trình máy vi tính

Chi tiết: Hoạt động viết, sửa, thử nghiệm và trợ giúp các phần mềm theo yêu cầu sử dụng riêng biệt của từng khách hàng.

6201
2 Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp

Chi tiết: Bán lẻ trong siêu thị (Supermarket)

 

4711

 

C. MỨC PHẠT VI PHẠM

Căn cứ vào quy định về các trường hợp vi phạm khi kinh doanh doanh đúng ngành nghề hoặc chậm/không thông báo thay đổi ngành nghề, được ghi trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính có quyền xử phạt hành chính. Cụ thể như sau:

Kinh doanh không đúng ngành, nghề

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp.

Vi phạm điều kiện của ngành nghề có điều kiện

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

Trường hợp không thông báo đến có quan đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Trong trường hợp chậm thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì:

  • Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.
  • Phạt tiền từ 000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
  • Phạt tiền từ 000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.